Tel: 024.33829795

Email: hoidongyhn@gmail.com

Trang nhất » Hội đông y Hà Nội »


SỪNG TÊ GIÁC THEO QUAN ĐIỂM Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀ Y HỌC HIỆN ĐẠI (7/13/2021)


SỪNG TÊ GIÁC THEO QUAN ĐIỂM Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀ Y HỌC HIỆN ĐẠI
                                            Bác sỹ: Chu Hải Đăng Ủy viên thư ký
                    Trưởng Ban Truyền thông Hội Đông y thành phố Hà Nội
Theo lời đồn tại một số nước phương Đông, tác dụng của sừng tê giác bị thổi phồng như có thể chữa các bệnh nan y, tăng cường sinh lực cho nam giới và một số nơi còn quan niệm sừng tê giác có thể xua đuổi tà ma. Chính vì lý do trên, trong vòng 40 năm qua, số vụ săn bắn tê giác tăng phi mã khiến cho loài tê giác trên thế giới suy giảm số lượng nghiêm trọng và đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Cấu tạo của sừng tê giác
Sừng tê giác có cấu trúc dạng hình ống kết hợp với nhau tương tự cấu trúc trên đầu trâu, bò, mỏ chim. Theo nghiên cứu của khoa học hiện đại, thành phần hóa học chủ yếu của sừng tê giác gồm có keratin, calci carbonat, calci phosphat, protein (có các acid amin điển hình như tyrosin, cystein, thiolactic,…) tương tự các thành phần có trong sừng trâu, sừng bò, móng ngựa. Khi thủy phân sừng tê giác sẽ cho các acid amin là tyrosin, xystein... và dịch chiết của sừng tê giác cho phản ứng alkaloid. Đây là một hợp chất hữu cơ có một số tác dụng dược lý đặc hiệu, tùy thuộc thành phần và cấu trúc hóa học có thể có tác dụng chống viêm, hạ sốt, hoặc kháng sinh...
Sách Y học cổ truyền Trung Quốc nói gì về sừng tê giác
Theo sách cổ, sừng tê giác có vị đắng, chua, mặn, tính hàn, đi vào ba kinh tâm, can, vị; có tác dụng mát huyết, giải ôn độc và định kinh; được dùng khi bị sốt cao, thanh huyết, giải độc… Năm 1597 sách y học Li Shih-chen của "BPen Ts’ ao Kang Mu", có viết; “Sừng tê giác đã được sử dụng trong y học Trung Quốc hơn 2000 năm và được sử dụng để hỗ trợ điều trị một sô bệnh thông thường như sốt, bệnh thấp khớp, bệnh gút, và các rối loạn khác".
Các nhà khảo cổ cũng tìm được các hiện vật khảo cổ rất lâu đời tại Trung Quốc là các ly, cốc được làm từ sừng tê giác. Sự ảnh hưởng của y học cổ truyền Trung Quốc còn lan sang các quốc gia láng giềng và tạo nên niềm tin vô cùng mãnh liệt trong xã hội.
Chính vì lẽ đó, theo thời gian và theo những kinh nghiệm dân gian đồn đại, sừng tê giác được gán ghép, thổi phồng để trở thành huyền thoại chữa được bách bệnh kể cả bệnh nan y như ung thư hoặc giúp giải quyết triệt để bệnh yếu sinh lý ở nam giới. Và vì thế, sừng tê giác trở thành một vị thuốc rất đắt tiền, và tê giác bị săn lùng, tận diệt một cách không thương tiếc dẫn đến suy giảm nghiêm trọng về số lượng khiến chúng có tên trong Sách đỏ để được bảo vệ nghiêm ngặt. Các loài tê giác cũng được pháp luật các nước bảo vệ ở mức cao nhất.
Đánh giá công hiệu của sừng tê giác trong y học hiện đại.
Theo Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, sừng tê giác chỉ là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc. Trong y học phương Đông có tất cả khoảng một 17 nghìn bài thuốc, nhưng chỉ có khoảng 20 bài có thành phần sừng tê giác nên nếu chỉ uống độc vị sừng tê giác không có ý nghĩa chữa bệnh. Ngoài ra trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... có tác dụng tương đương sừng tê giác, vừa rẻ vừa dễ tìm.
Quay trở lại với các kết quả của nghiên cứu của khoa học hiện đại đã chứng minh được thành phần cấu tạo của sừng tê giác chủ yếu là từ Keratin vậy thành phần này có tác dụng thế nào với sức khỏe con người.
Vì Keratin là một protein, nếu bổ sung không đúng cách sẽ dẫn đến dư thừa protein trong cơ thể, quá nhiều protein nghĩa là thận sẽ phải hoạt động nhiều hơn để chuyển hóa và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Theo thời gian, điều này có thể sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận, thậm chí suy thận.
Như vậy có thể thấy rằng tác dụng của sừng tê giác không phải thần dược như những lời đồn thổi vô căn cứ trong dân gian, Y học cổ truyền Việt Nam có rất nhiều các loại thảo dược có thể thay thế sừng tê giác với tác dụng tương đương nhưng lại có sẵn và không làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như hệ sinh thái. Mới đây, trong khuôn khổ Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ được thực hiện phối hợp với Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuốn cẩm nang “Vị thuốc, cây thuốc thay thế sừng tê giác” đã được các chuyên gia trong lĩnh vực đông y và dược liệu cổ truyền xây dựng, nhằm giới thiệu các vị thuốc, cây thuốc có hiệu quả tương tự như sừng tê giác theo quan điểm của y học cổ truyền, đồng thời không gây hại cho loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng này. Theo đó, các thầy thuốc đông y không nên kê đơn thuốc sử dụng sừng tê giác, cũng như cần giải thích cho bệnh nhân và người nhà về việc không sử dụng sừng tê giác trong phòng trị bệnh.