BS. Cấn Thị Thủy
Hội Đông y Hà Nội
Bài này nói ở đây đau bụng là do vi khuẩn, ký sinh trùng, ăn uống quá độ, hoặc thường xuyên ăn những thức ăn có tính kích thích, hoặc do ngoại cảm lục dâm, thất tình nội thương… Y học cổ truyền gọi là Phúc thống
1. Nguyên nhân gây bệnh: Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như: Ngoại cảm lục dâm, thất tình nội thương, ăn uống không điều độ, quá sức mệt mỏi, đau do các ký sinh trùng.
2. Nguyên tắc điều trị
2.1. Điều trị đau bụng, trước hết nên phân biệt rõ thuộc nội thương hay ngoại cảm, hàn hay nhiệt, hư hay thực.
2.2. Điều trị đau bụng phải tìm đúng nguyên nhân.
2.3. Chữa đau bụng, nếu không phải chứng khí hư không được dùng nhầm phép bổ khí. Vì bổ khí làm cho khí vượng lên, không thông được càng sinh đau thêm.
2.4. Đau thì không thông, thông tất không đau (thông thì bất thống, thống thì bất thông) cho nên chữa đau bụng phải dùng phép thông. Nếu mới bị đau nên thông kinh, đau đã lâu phải thông lạc.
3. Một số thể lâm sàng thường gặp
3.1. Đau bụng do hàn
+ Triệu chứng: Sốt sợ lạnh, đau đầu, đau mình, gáy lưng co cứng, ngực đầy, chán ăn, nôn ọe, đau bụng, sôi bụng đau như cắt. Thích ấm sợ lạnh, da mặt vàng môi nhợt. Không khát nước, không ra mồ hôi, chân tay không ấm, rêu lưỡi mỏng trắng, mạch phù khẩn.
+ Pháp điều trị: Tán hàn ôn trung.
+ Phương điều trị: Đại chùy, Trung quản, Thiên khu, Thần khuyết, Đại trường du.
+ Ý nghĩa: Đại chùy để sơ thông dương khí, tàn hàn tà; Trung quản để ôn trung tán hàn; Thiên khu phối hợp với huyệt Đại tràng du để sơ thông tràng vị, khu hàn đạo trệ; cứu Thần khuyết để làm ấm bụng, tán hàn ngưng.
3.2. Đau bụng do thấp
+ Triệu chứng: Hơi nóng, sợ lạnh, đầu đau mình nặng. Đau không cử động được, đầy bụng, khó tiêu, ăn kém, phân nát, tiểu tiện không thông, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch phù nhu.
+ Pháp điều trị: Bổ trung ích khí.
+ Phương điều trị: Tỳ du, Vỵ du, chương môn, Khí hải, Trung quản, Túc tam lý.
+ Ý nghĩa: Tỳ du và Chương môn, Vị du và Trung quản là lấy huyệt theo cách phối hợp hai huyệt mộ du, thêm huyệt Túc tam lý để bổ Tỳ kiện vị, chấn phấn dương khí của Tỳ Vị, Khí hải để đại bổ Tỳ kiện vị, chấn phấn dương khí của Tỳ Vị không hư, các chứng sẽ khỏi.
3.3. Đau bụng do khí trệ:
+ Triệu chứng: Mặt xanh hay bực bội, ngực sườn chướng đau, vai lưng không ngẩng lên cúi xuống được. Luôn thở dài, bụng đau ngay sườn cũng bị đau, gặp chuyện phải suy nghĩ bực bội là đau ngay, mạch trầm huyền.
+ Pháp điều trị: Sơ can lý khí.
+ Phương điều trị: Thái xung, Thái Bạch, Kỳ Môn, Thiên khu.
+ Ý nghĩa: Thái xung để sơ tiết Can khí. Phối hợp với Thái Bạch để sơ Can hòa; Kỳ môn là huyệt mộ của Can, để sơ Can lý khí; Thiên khu để điều khí của Trường Vị. Can khí điều đạt thì khí cơ thông và bụng hết đau.
3.4. Đau bụng do huyết ứ:
+ Triệu chứng: Da khô, 2 mắt tối, móng tay kết khô, hay cáu miệng khát muốn uống nước, đau ở một nhất định đau như dao đâm, sờ vào đau tăng. Đi ngoài phân đen, mạch trầm kết.
+ Pháp điều trị: Hành khí, hóa ứ.
+ Phương điều trị: Huyết hải, tam tâm giao, Hành gian, Đại trường du, Thiên khu.
+ Ý nghĩa: Huyết hải là huyệt của kinh Túc thái âm Tỳ; Hành gian là huyệt của kinh Túc quyết âm Can. Hai huyệt này có khả năng thông điều khí của Can tỳ để có tác dụng hành khí tán ứ; Tam âm giao để thông kinh hoạt huyết; Đại trường du, Thiên khu để thông điều khí của Trường vị. Khí hành thì huyết hành. Cho nên phối hợp các huyệt có thể đạt mục đích hành khí tán ứ.
3.5. Đau bụng do thực tích.
+ Triệu chứng: nuốt chua, ợ thối, ngực đầy chán ăn, bụng đau sợ ấn, ấn vào đau thêm, khi đau buồn đi ngoài, sau khi đi đau giảm, phân chua thối. Mạch huyền hoạt.
+ Pháp điều trị: Dạo trệ, hòa trung.
+ Phương điều trị: Hạ quản, Túc tam lý, Công tôn, Thiên khu, lương môn.
+ Ý nghĩa: Hạ quản đề kiện tỳ hòa vị tiêu thực hóa trệ. Túc tam lý, Thiên khu, Lương môn làm thông và điều hòa công năng của trường vị để giúp tiêu hóa, Túc tam lý và Công tôn cùng trợ giúp sự vận hóa của Tỳ vị để tiêu hóa thức ăn tích tụ.
3.6. Đau bụng do trùng tích:
+ Triệu chứng: Người gầy, sắc mặt lúc trắng lúc xanh. Thích ăn vật lạ, bụng lúc đau lúc không, lưỡi có đốm hoa trắng.
+ Pháp điều trị: Kiện tỳ khu trùng.
+ Phương điều trị: Tỳ du, Đại trường du, Túc tam lý, Bách trùng oa, Địa thương.
(Ngay nay đa số sẽ dùng thuốc tẩy giun 02 lần/1 năm)
+ Ý nghĩa: Huyệt Tỳ du, Túc tam lý để kiện Tỳ vị trị giúp vận hóa, Đại tràng du và Túc tam lý để điều lý công năng của Trường vị; Bách trùng oa trị bệnh ký sinh trùng đường ruột. Địa thương làm giun yên, căt cơn đau.
|